Thư viện tại Trường Tiểu học Woodgrove đã được chuyển đổi thành MakerSpace, một không gian mà các học sinh có thể tự do sáng tạo theo ý thích. Sau giờ học trên lớp, kết thúc vào khoảng 2h chiều, học sinh đăng ký các buổi học như thiết kế 3D, sản xuất phim hoạt hình tĩnh vật, viết mã robot. Thầy/cô hướng dẫn sau khi giải thích cách làm cơ bản sẽ để cho học sinh thỏa ý muốn sáng tạo. “Dù có sai cũng không sao”, một giáo viên nói. Một cậu bé cho biết khóa học đã tạo nên một thay đổi thú vị nơi cậu: nếu không ở trường, cậu sẽ tự mày mò ở nhà.
Các trường học của Singapore từ rất lâu có tiếng là dạy mô phạm, học vẹt và giỏi kiểu hàn lâm. Học sinh của họ dẫn đầu các bảng xếp hạng trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD, một cuộc kiểm tra 3 năm một lần dành cho học sinh 15 tuổi trên khắp thế giới và Chương trình Nghiên cứu Xu hướng Toán học và Khoa học Quốc tế (TIMSS), đánh giá các học sinh 10-14 tuổi. Nhưng hàng thập niên tăng trưởng kinh tế đã thay đổi thứ tự ưu tiên của người Sing.
Andreas Schleicher, thuộc OECD cho rằng nền giáo dục Singapore đang trải qua “một cuộc cách mạng thầm lặng”. Giới chính trị gia giờ kỳ vọng kết hợp các kết quả thi cao với phát triển những kỹ năng mà sẽ giúp học sinh làm việc ở ngành dịch vụ đang tăng trưởng của đảo quốc Sư Tử và thậm chí sống một cuộc sống đầy mãn nguyện. “Không chỉ dạy sao cho trở nên thông minh mà còn làm thế nào để thành một người tốt hơn”, Heng Swee Keat, Bộ Trưởng Tài chính Singapore, từng phụ trách mảng giáo dục từ năm 2011-2015, cho biết.
Không giống các cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng lần này là một dự án dài hơi và từng bước một. Các thay đổi đáng chú ý nhất cho đến nay là giảm áp lực lên học sinh khi tham gia các kỳ kiểm tra. Năm 2012, Chính phủ đã bỏ xếp hạng các trường cấp 2, vốn làm lệch lạc các quan tâm ưu tiên của giáo viên, đồng thời bãi bỏ việc công bố tên của các học sinh có điểm cao nhất và mở rộng các tiêu chí nhập học vào những trường cấp 2 tốt nhất. Từ năm 2021, học sinh tốt nghiệp tiểu học sẽ không còn nhận bảng điểm chi tiết, thay vào đó là bảng đánh giá chung.
Những thay đổi đáng kể hơn đang được thực hiện. Bộ Giáo dục đã công bố một danh sách “các khả năng thế kỷ XXI” trong đó có khả năng tự nhận thức về bản thân và ra quyết định có trách nhiệm - những khả năng mà Bộ mong muốn tất cả các học sinh đều đạt đến. Các câu hỏi đề thi cũng được làm kiểu đề mở, khuyến khích lối suy nghĩ phân tích cũng như sự hiểu biết về một chủ đề. Giáo viên đánh giá không chỉ kết quả học tập mà còn đánh giá sự phát triển xã hội của học sinh...
Các phương pháp giảng dạy cũng đang thay đổi. Tất cả các giáo viên phải qua 100 giờ đào tạo mỗi năm. Họ học các phương pháp giáo dục mới, với mục đích khuyến khích làm việc nhóm và thảo luận giữa thầy và trò. Yan Song, từ Trung Quốc chuyển sang học tại Trường trung học cơ sở Deyi ở Singapore, nhận xét rằng trường học tại Singapore tập trung vào “việc dạy bạn cư xử như một con người”, trong khi Trung Quốc thì ngược lại, “bạn phải học cả ngày lẫn đêm”.
Dấu ấn thay đổi cuối cùng và cũng rất quan trọng là đưa lớp học “tiệm cận” thực tế môi trường làm việc. Đến năm 2023 gần như tất cả các trường học sẽ phải có các chương trình “học ứng dụng” trong những môn học như máy tính, robot học, điện tử và cả kịch, thể thao. Trọng tâm của các chương trình này là rèn luyện học sinh trong các môi trường “đời thực” và không có kỳ thi nào.
Bộ Giáo dục cũng đã tuyển dụng 100 chuyên gia hướng nghiệp. Nhiều người trong số này trước đó đã từng làm việc trong những ngành mà họ tư vấn hướng nghiệp. Do đó, họ nắm bắt sát sao tình trạng thiếu lao động và làm việc với các trường để cho học sinh biết về những lựa chọn của mình, thường là hướng các học sinh đừng cứ chăm chăm vào những nghề “an toàn về thu thập” như ngân hàng, ngành dân chính hay y khoa.
Một thực tế là rất khó thuyết phục các bậc cha mẹ rằng có nhiều thứ đáng giá trong cuộc đời này hơn là các kết quả thi và một công việc địa vị cao. Do đó, Bộ Giáo dục làm việc với các nhóm hỗ trợ phụ huynh và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, tổ chức các hội thảo và tích cực hoạt động trên truyền thông xã hội để đưa thông điệp này đến các cha mẹ và học sinh. Chuyên gia hướng nghiệp Tay Geok Lian cho biết một số phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có điều kiện khá giả, đang bắt đầu nhìn xa hơn các nghề nghiệp thông thường.
Nhưng một số thói quen rất khó thay đổi. Chẳng hạn, nhiều trẻ vẫn “kiên trì” đi học thêm sau giờ học trên lớp. Jacqueline Chua, hiện điều hành Paideia Learning Academy, một trung tâm gia sư, cho biết các bậc phụ huynh rất quan tâm đến các dịch vụ mà Paideia cung cấp. “Các trẻ bị căng thẳng vì cha mẹ chúng căng thẳng... và đó là bởi vì họ hiểu điều gì chờ họ ở phía trước”, bà giải thích. Bài thi tốt nghiệp tiểu học thường gây áp lực rất lớn cho học sinh. Các học sinh xuất sắc được vào các “trường tuyển” tốt nhất và có thể trông mong vào một tương lai du học ở nước ngoài và được làm những công việc quan trọng trong chính phủ. Những ai thi kém thì phải vào các trường dạy nghề.
Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận những thành công trong mô hình giáo dục của người Sing. Bằng chứng là các nhà giáo dục trên khắp thế giới vẫn luôn tìm cách nhân bản sự thành công của Singapore. Họ ngưỡng mộ chất lượng đào tạo giáo viên, các bài giảng đúng trọng tâm và kế hoạch dài hạn của chính phủ nước này. Với những yếu tố thuận lợi trên, hệ thống giáo dục Singapore đang trong một vị thế rất tốt để cải cách hơn nữa. Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat nhận định: “Nếu bạn muốn nối các dấu chấm, thì trước tiên bạn phải có các dấu chấm đã”.
(Theo The Economist)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét